“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam...” - Lời bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” của cố nhạc sĩ Thuận Yến như thay lời muốn nói cho hàng triệu trái tim của bao thế hệ người Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Bác đã đi xa, nhưng mãi còn đây hình ảnh một con người vĩ đại mà muôn nhịp đập của trái tim đều dành trọn vì dân, vì nước... Chỉ sau khi Người mất, trong lễ truy điệu trọng thể vĩnh biệt Người (9-9-1969), chúng ta mới được biết về Di chúc do Đảng ta thông báo. Giờ đây, mỗi chúng ta đều biết, đều đọc đầy đủ, trọn vẹn tài liệu quan trọng này. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, hoạt động và sáng tạo của Người đã cho thấy rõ: Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể toàn vẹn, chân thực, sống động, uyên bác và cũng vô cùng giản dị, gần gũi với con người, với đời sống thiên nhiên thường nhật. Di chúc của Người vẫn sáng rõ tầm nhìn thời đại và vẹn nguyên giá trị.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lịch sử hơn 50 năm (1969-2024), nửa thế kỷ đã qua, chúng ta nguyện làm theo Di chúc của Người. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng cảm nhận đầy đủ hơn sức sống của Di chúc. Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một bản Di chúc vô cùng quý báu. Trải qua hơn 50 năm, bản Di chúc đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Chúng ta gọi là Di chúc với tất cả sự kính trọng cao quý, nhưng Người chỉ gọi là một bức thư, là mấy lời để lại cho đồng bào đồng chí để phòng khi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác thì đồng bào trong nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột. Một bức thư và mấy lời để lại mà Người đã dồn tâm lực, trí lực của mình bốn, năm năm liền, viết và sửa, đọc lại và nghiền ngẫm, trong đó có hai năm 1966 và 1967, Người suy nghĩ rất lâu mà không sửa một chữ nào, để năm sau - 1968, Người đã chữa, đã bổ sung bao điều ấp ủ từ lâu. Cho đến lần cuối cùng, bốn tháng trước khi mất, Người đã dành liên tục mười ngày liền đọc lại, sửa lại, hoàn thành một công việc hệ trọng, tổng kết một cuộc đời, một sự nghiệp để thanh thản ra đi. Khiêm nhường và chu đáo đến như vậy ở người mang tầm vóc vĩ nhân và cốt cách hiền triết thì trên đời này chỉ thấy ở Hồ Chí Minh.
Bản đầu tiên, năm 1965, Người viết "Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa"? Đến bản sửa năm 1968, Người lại viết "Nhưng không ai đoán biết được tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy tháng, mấy năm nữa"?
Và lần cuối cùng, trong bản ghi ngày 10-5-1969, ta không còn thấy tháng thấy năm nữa. Người tự biết rồi sẽ ra đi. Ở thời điểm này sức khỏe của Người giảm sút rất nhanh, Người không đi về khu rừng quen thuộc được nữa, Người chữa Di chúc tại nhà sàn rồi trút hơi thở cuối cùng ở đó. Cảm giác chỉ còn ngày giờ, phút giây thôi có trong lời Người viết "Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa"? Câu hỏi dằn vặt này của Người cất lên ở đây so với những lần sửa trước vẫn chỉ gắn liền sống với phục vụ. Câu cuối cùng ở lần cuối cùng này không thấy Người nhắc tới sự sống của Người nữa, chỉ còn phục vụ mà thôi. Linh cảm về sự ra đi làm cho nỗi niềm của Người dành cho dân, nhân dân thật da diết.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời căn dặn cuối cùng của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng. Di chúc của Người là văn kiện mang ý nghĩa thời sự sâu sắc và có giá trị vô cùng to lớn đối với quá trình cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ta trên nhiều phương diện, nó vạch ra phương hướng cho Cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai, có ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, giá trị thực tiễn sâu sắc, không chỉ trong quá khứ mà cả trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Tuy ngắn gọn, song những vấn đề mà Di chúc đề cập đến đều là những vấn đề trọng đại đối với cách mạng Việt Nam và thế giới.
Một trong những vấn đề cốt lõi trong Di chúc, Người đặc biệt nhấn mạnh đến trọng trách lịch sử của Đảng, tính tiền phong gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, suốt đời chăm lo cho cuộc sống của dân, tận tụy trung thành với Dân, với Nước. Bởi thế, nổi bật trong Di chúc là “trước hết nói về Đảng”, “trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, “Đầu tiên là công việc đối với con người”, chăm lo chu đáo tới đời sống vật chất, tinh thần cho mọi người dân, nhất là thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa cho thương binh, liệt sĩ, những người có công, các gia đình có công với nước.
Trong các chi bộ Đảng cần thực hành dân chủ, củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Trong Di chúc, vấn đề đoàn kết trong Đảng được Hồ Chí Minh đề cập trên ba phương diện
- Thứ nhất, đoàn kết trong Đảng là một cơ sở của đoàn kết nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, là một cội nguồn làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
- Thứ hai, đoàn kết đã trở thành một truyền thống cực quý báu của Đảng và của dân ta. Chính vì thế, toàn thể đảng viên từ Trung ương đến các chi bộ đều có trách nhiệm phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
- Thứ ba, cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Có thể thấy rằng, vấn đề đoàn kết trong Đảng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách toàn diện và sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng thể hiện trong Di chúc với tư cách là sự kết tinh tư tưởng của Người, thực sự là những chỉ dẫn lý luận có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thực tiễn xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.
Cảm nhận về những cái mới trong bản Di chúc này, mỗi lần đọc lại Di chúc của Người ta càng thấy rõ hơn, thấu hiểu nhiều hơn về NgườI, về trí tuệ và tư tưởng, đạo đức và tâm hồn, lẽ sống và nhân cách của Người. Tình thương yêu Người dành tất cả cho dân, Người biết rõ, mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều từ mồ hôi nước mắt của dân làm ra. Người dặn lại: khi Người qua đời, thi hài được đốt đi, tro xương chôn ở một quả đồi. Người còn nói, cho hợp vệ sinh, lại không tốn đất. “không tốn đất ruộng”. Người dặn lại chúng ta, "trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi". Tình thương yêu con người là đặc trưng nổi bật của nhân cách Hồ Chí Minh. Nằm trên giường bệnh, phút lâm chung Người vẫn chỉ nghĩ tới dân, lo lắng cho cuộc sống của dân. Người hỏi: "đê vỡ có nhiều không, có kịp sơ tán dân đi không?". Một trong những câu hỏi cuối cùng của Người là như vậy. Một nhà cách mạng kiệt xuất với tư tưởng lỗi lạc, với trí tuệ uyên bác, đạo đức cần kiệm liêm chính trong sáng, mẫu mực điển hình "ở đời thì phải thân dân, làm người thì phải chính tâm" để gắn bó máu thịt với dân, "không thể bỏ dân mà đi được"- đó là kết tinh của lòng yêu nước, thương dân và tỏa sáng ánh sáng minh triết của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh.
“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế.
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.”
Tố Hữu
Hòa Khê, ngày 16 tháng 8 năm 2024
Phan Vĩ Phương Uyên
Giáo viên Ngữ Văn trường THCS Huỳnh Thúc Kháng