Bài dự thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết thực tiễn của học sinh

I.    Tên tình huống: “VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN ĐỂ TÌM HIỂU VỀ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG”.

II.    Mục tiêu giải quyết tình huống.
Vận dụng kiến thức của các môn học như Lịch Sử, Địa Lí, Toán học, Văn học để tìm hiểu rõ hơn về thành phố Đà Nẵng – nơi mà chúng em đang sinh sống và học tập.

III.    Tổng quan về các nghiên cứu liên quan đến việc giải quyết tình huống.
Cần tìm hiểu tổng quan về:
- Nguồn gốc tên gọi, lịch sử hình thành của thành phố Đà Nẵng.
- Vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên của thành phố.
- Đặc điểm kinh tế,  dân cư - xã hội, văn hóa của thành phố.

IV.    Giải pháp giải quyết tình huống
- Vận dụng kiến thức môn Lịch Sử để tìm hiểu về tên gọi và quá trình hình thành Thành phố Đà Nẵng.
- Vận dụng kiến thức môn Địa Lí để tìm hiểu về vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên, dân cư - xã hội của thành phố.
- Vận dụng kiến thức môn Toán để tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế của thành phố.
- Vận dụng kiến thức văn học để tìm hiểu về đời sống văn hóa của người  dân thành phố.

V.       Thuyết minh tiến trình giải quyết tình huống
•    Tư liệu:
- SGK Địa lí 9.
- Tài liệu: Địa lí các tỉnh và thành phố Việt Nam.
- Tài liệu Lịch sử thành phố Đà Nẵng.
- Mạng Internet
•    Thuyết minh

1. Nguồn gốc tên gọi và quá trình hình thành thành phố Đà Nẵng.
Địa danh “Đà Nẵng” bắt nguồn từ ngôn ngữ Chăm: “Đà” là sông, “ Nak” là lớn. Đà Nak là sông lớn, sông cái. Người Việt tiếp thu Đà Nak và Việt hóa thành Đà Nẵng. Trong thư tịch” Đà Nẵng” xuất hiện lần đầu tiên trong sách  “Ô châu cận lục” và ra dời từ năm 1553. Người Trung Quốc gọi Đà Nẵng là Hiện Cảng. Thời xưa tàu thuyền Trung Quốc đi Đà Nẵng thường lấy hòn Sơn Chà làm mốc định vị phương hướng. Hòn Sơn Chà có hình dáng giống con hến nên người Trung Quốc đã gọi nơi đây là "Hiện Cảng" . Một tên gọi khác được đặt cho Đà Nẵng là Cửa Hàn . Từ năm 1888 cho đến hết thời Pháp thuộc, Tourane là tên chính thức của Đà Nẵng. Dân gian gọi Đà Nẵng là Vũng Thùng. Các nhà Nho nói chữ thì gọi là Trà U, Trà A, Trà Sơn hay Đồng Long Loan. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tourane đổi tên thành Thái Phiên. Tuy nhiên vào ngày 9 tháng 10 năm 1945, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị giữ nguyên tên cũ của các đơn vị hành chính từ cấp kỳ, thành phố, tỉnh, huyện trong cả nước để tiện việc thông tin liên lạc và công văn giấy tờ. Thành phố trở lại tên gọi cũ Đà Nẵng.
Vào giữa thế kỷ XVI, khi Hội An đã là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam thì Đà Nẵng mới là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền. Đến đầu thế kỷ XVIII, Đà Nẵng dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An. Năm 1835 Đà Nẵng trở thành một thương cảng lớn bậc nhất miền Trung. Sau khi xâm chiếm toàn bộ đất nước ta vào năm 1889, thực dân Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane.
Đầu thế kỷ XX, Tourane được Pháp xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương. Cùng với Hải Phòng và Sài Gòn, Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng của cả nước. Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại. Tháng 3/1965 Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Năm 1967, Đà Nẵng được Mỹ ngụy ấn định là thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 1975, hòa bình lập lại, Đà Nẵng (là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam  Đà Nẵng) bắt tay vào khôi phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh.
Ngày 6/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Về địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng mới bao gồm thành phố Đà Nẵng trước đây, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.

2. Vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.
a. Địa hình
- Gồm đồng bằng duyên hải ở phía đông và vùng núi chiếm diện tích lớn ở phía tây và tây bắc.
- Có nhiều dãy núi chạy dài ra biển, một số đồi thấp xen kẽ vùng đồng bằng ven biển hẹp.
b. Khí hậu
- Nhiệt đới gió mùa điển hình.
Một năm có 2 mùa rõ rệt:
+ Mùa mưa : từ tháng 8 đến tháng 12 .
+ Mùa khô: từ tháng 1 đến tháng 7.
- Nhiệt độ trung bình: 25,9 °C.
- Độ ẩm không khí trung bình là 83,4%.
- Lượng mưa trung bình hàng năm là 2.504,57 mm.
c. Thủy văn.
- Hệ thống sông ngòi ngắn, dốc; bắt nguồn từ phía tây, tây bắc và tỉnh Quảng Nam.
- Chế độ nước chia làm hai mùa:
+ Mùa cạn: từ tháng 1 -> tháng 8
+ Mùa lũ: từ tháng 9 -> tháng 12
- Có hai sông chính là sông Hàn và sông Cu Đê . Ngoài ra, còn có các sông như: sông Yên, sông Chu Bái, sông Vĩnh Điện, sông Túy Loan, sông Phú Lộc,...
- Nguồn nước ngầm khá đa dạng.
d. Thổ nhưỡng
- Có các loại đất: cồn cát và đất cát ven biển, đất mặn, đất phèn, đất phù sa, đất xám bạc màu và đất xám, đất đen, đất đỏ vàng, đất mùn đỏ vàng..
e. Tài nguyên sinh vật
- Rừng tập trung chủ yếu ở phía Tây và Tây Bắc  .
- Tỷ lệ che phủ là 49,6%, trữ lượng gỗ khoảng 3 triệu m3.
- Có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên.
f. Khoáng sản
- Phong phú, có nhiều loại: cát trắng, đá hoa cương, đá xây dựng, đá phiến lợp,  cát, cuội sỏi xây dựng, cát lòng sông, Ngoài ra còn có Laterir, vật liệu san lấp, đất sét,  nước khoáng. Đặc biệt, vùng thềm lục địa có nhiều triển vọng về dầu khí.

3. Đặc điểm kinh tế
Với vị thế là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đà Nẵng có ngành kinh tế khá đa dạng bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp cho tới dịch vụ, du lịch, thương mại. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ trong GDP năm 2011 là 51%, công nghiệp - xây dựng là 46% và nông nghiệp là 3%.
Đà Nẵng có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng đầu Việt Nam liên tiếp trong ba năm 2008, 2009 và 2010, đồng thời đứng đầu về chỉ số hạ tầng và xếp thứ tư về môi trường đầu tư. Trong bảng xếp hạng PCI của Việt Nam năm 2012, Đà Nẵng xếp ở vị trí thứ 12 trên 63 tỉnh, thành.
Ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Thuỷ sản, dệt may, da giày, cao su,... là những lĩnh vực mũi nhọn được tập trung phát triển. Bên cạnh đó, thành phố còn chú tâm đến ngành Công nghệ thông tin, ngành công nghệ sinh, các ngành công nghiệp sạch phục vụ mục tiêu "Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường. Thành phố đề ra mục tiêu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá của Việt Nam, trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.
Về thương mại, thành phố có 24 trung tâm thương mại và siêu thị. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 21,1%/năm. Đà Nẵng hiện có hai chợ lớn nhất nằm ở trung tâm thành phố là chợ Hàn và chợ Cồn cùng những siêu thị lớn mới mở trong vòng vài năm trở lại đây như Bài Thơ Plaza, Metro, BigC, Co.opMart, Intimex, Viettronimex, Đệ Nhất Phan Khang,... Đà Nẵng là trung tâm tài chính lớn nhất của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trên địa bàn thành phố hiện có đến 60 chi nhánh tổ chức tín dụng và 233 phòng giao dịch, điểm giao dịch, quỹ tiết kiệm với sự đa dạng về loại hình hoạt động: 55 ngân hàng thương mại, một ngân hàng chính sách xã hội, một công ty tài chính, một công ty cho thuê tài chính,... Mật độ tập trung cao các chi nhánh ngân hàng ở đường Nguyễn Văn Linh khiến con đường này được mệnh danh là "Phố Wall" của miền Trung.

Chợ Hàn
Chợ  Cồn

Đà Nẵng là một thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Phía bắc thành phố được bao bọc bởi núi cao với đèo Hải Vân được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Phía tây là khu du lịch Bà Nà nằm ở độ cao trên 1000m với hệ thống cáp treo đạt bốn kỷ lục thế giới (dài nhất, độ chênh lớn nhất, tổng chiều dài cáp dài nhất và sợi cáp nặng nhất), cùng khu vui chơi giải trí trong nhà Fantasy Park lớn nhất Đông Nam Á. Phía đông bắc là bán đảo Sơn Trà với 400 ha rừng nguyên sinh gồm nhiều động thực vật phong phú. Phía đông nam là danh thắng Ngũ Hành Sơn. Trên địa bàn thành phố còn có một hệ thống các đình, chùa, miếu theo kiến trúc Á Đông, các nhà thờ theo kiến trúc phương Tây như Nhà thờ Con Gà,...các bảo tàng mà tiêu biểu nhất là Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm. Đây là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất ở Việt Nam.
Đà Nẵng đã xây dựng các sự kiện du lịch lớn, trong đó Cuộc thi Trình diễn Pháo hoa Quốc tế được tổ chức liên tục từ năm 2008.
Ngoài ra thành phố còn được bao bọc bởi 3 di sản văn hóa thế giới: Huế, Hội An, Mỹ Sơn. Xa hơn một chút nữa là Vườn Quốc gia Bạch Mã, và di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Vì thế Đà Nẵng được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên Con đường di sản miền Trung.
Ước tính tổng lượng khách đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng trong năm 2012 đạt hơn 2,6 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2011 và đạt 103% kế hoạch đề ra. Trong đó khách quốc tế ước đạt 631.000 lượt, tăng 18%; khách nội địa ước đạt hơn 2 triệu lượt, tăng 10%; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 6.000 tỉ đồng, tăng 36% so với năm 2011 và đạt 119% kế hoạch.

Bà Nà
Bán đảo Sơn Trà

Đà Nẵng có hệ thống giao thông vận tải khá phát triển với: Cảng Đà Nẵng có độ sâu trung bình từ 15 – 20 m, có khả năng tiếp nhận các tàu lớn có trọng tải đến 28.000 tấn. Trong tương lai, khi cảng Liên Chiểu với công suất 20 triệu tấn/năm được xây dựng xong thì hệ thống cảng Đà Nẵng được nối liền với cảng Kỳ Hà, cảng Dung Quất ở phía nam sẽ trở thành một cụm cảng liên hoàn lớn nhất Việt Nam, giữ vị trí quan trọng trên tuyến hàng hải Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong ba sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam (sau Nội Bài và Tân Sơn Nhất) và là cảng hàng không quan trọng nhất cho cả miền Trung và Tây Nguyên. Tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam chạy dọc thành phố với tổng chiều dài khoảng 30 km. Trên địa bàn thành phố hiện nay có năm nhà ga, trong đó Ga Đà Nẵng là một trong ba ga lớn nhất toàn quốc.
Thành phố Đà Nẵng kết nối với các địa phương trong nước thông qua hai đường quốc lộ: Quốc lộ 1A, nối Đà Nẵng với các tỉnh ở hai đầu Bắc, Nam vàQuốc lộ 14B nối Đà Nẵng với các tỉnh miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên của Việt Nam. Việc đưa vào sử dụng hầm đường bộ Hải Vân khiến cho thời gian lưu thông được rút ngắn và giảm tại nạn giao thông trên đèo Hải Vân.
Đà Nẵng cũng đã có những bước tiến trong giao thông nội thị. Hạ tầng giao thông nội ô được xây dựng khá hoàn chỉnh với mạng lưới giao thông tiếp nối với các đường vành đai của thành phố khiến cho Đà Nẵng là một trong ít đô thị ở Việt Nam ít khi phải đối mặt với tình trạng tắc đường. Nhiều con đường cũ đã được mở rộng và kéo dài. Đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa chạy dọc bờ biển theo hướng nam nối Đà Nẵng với Hội An được mệnh danh là "con đường 5☆" của Đà Nẵng vì là nơi tập trung hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp 4☆ và 5☆ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều cây cầu đã được xây dựng bắc qua Sông Hàn như cầu Thuận Phước, cầu sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, Cầu Rồng,...không chỉ tạo nên những cảnh quan đẹp phục vụ du khách tham quan thành phố mà còn có ý nghĩa quan trọng trong.

Ga Đà Nẵng
Hầm Hải Vân

Cầu Rồng Cảng Đà Nẵng

4. Đặc điểm dân cư -  xã hội
- Tính đến năm 2011, dân số toàn thành phố Đà Nẵng đạt gần 951.700 người.
- Mật độ dân số đạt 740 người/km².Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 828.700 người, dân số sống tại nông thôn đạt 123.000 người.
- Tốc độ tăng trưởng dân số đô thị trung bình hàng năm là 3,5.
- Dân số nam của thành phố đạt 469.400 người, trong khi đó nữ đạt 482.300 người. Ước tính dân số Đà Nẵng đạt một triệu người vào năm 2014.
- Di cư là yếu tố chủ đạo trong tăng trưởng dân số của thành phố ít nhất là từ năm 2009.
- Tuổi thọ trung bình đạt 77,4 tuổi đối với nữ và 72,4 hoặc 74,8 tuổi đối với nam.
- Trong tổng điều tra dân số năm 2009, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở mức 9,9 trẻ sơ sinh tử vong trên 1.000 trẻ.
- Trên địa bàn thành phố có trên 37 dân tộc và người nước ngoài cùng chung sống. Trong đó, nhiều nhất là dân tộc Kinh với 883.343 người.
Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, trên địa bàn toàn thành phố có chín tôn giáo khác nhau, chiếm 164.195 người. Trong đó, nhiều nhất là Phật giáo với 117.274 người.

5. Đặc điểm văn hóa.
Làng nghề
Trải qua những thử thách khốc liệt của thời gian, chiến tranh loạn lạc những làng nghề Đà Nẵng vẫn giữ cho mình nét hồn hậu, chân chất. Hết đời nọ đến đời kia, họ sống với nghề không chỉ bởi miếng cơm, tấm áo mà còn vì cái tâm của con người trên mảnh đất đã nuôi sống họ. Đà Nẵng có một số làng nghề truyền thống. Nổi tiếng nhất là làng đá mỹ nghệ Non Nước. Làng đá nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn thuộc phường Hòa Hải - quận Ngũ Hành Sơn. Nghề chế tác đá ở đây được hình thành vào thế kỷ 18 do một nghệ nhân đến từ Thanh Hóa tên là Huỳnh Bá Quát sáng lập. Từ vật liệu là đá cẩm thạch, những nghệ nhân nơi đây chế tác các tác phẩm tượng Phật, tượng người, tượng thú, vòng đeo tay,...
Làng chiếu Cẩm Nê nằm cách trung tâm thành phố 14 km về phía tây nam thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với các loại chiếu hoa truyền thống. Nghề chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa theo chân các cư dân người Việt đến cư trú ở vùng đất này vào thế kỷ 15. Chiếu hoa Cẩm Nê đã từng được hiện diện trong cung vua nhà Nguyễn; những nghệ nhân Cẩm Nê xưa cũng đã từng được các triều đại vua sắc phong, ban thưởng. Chiếu Cẩm Nê có ưu điểm là viền chiếu được gấp kỹ hơn, dày hơn, bền hơn, nằm êm lưng hơn so với chiếu của các địa phương khác. Mùa hè nằm chiếu thấy mát; mùa đông nằm ấm và tỏa hương đồng cỏ nội dịu nhẹ.
Gắn với nghề cá và truyền thống đi biển của ngư dân, ở Đà Nẵng còn có làng nghề nước mắm Nam Ô được hình thành vào đầu thế kỷ XX. Nam Ô là làng đánh cá nhỏ nằm ở cửa sông Cu Đê, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Đặc trưng nhất của nước mắm Nam Ô là được chế biến từ cá cơm than, đánh bắt vào tháng ba âm lịch. Chum để muối cá phải bằng gỗ mít, dưới đáy chum phải chèn sạn, chổi đót và phải lọc nước mắm bằng chuộc mới đảm bảo nước mắm tinh chất, thơm đậm. Muối ướp cá phải là muối lấy từ Nha Trang (Khánh Hòa), Quảng Ngãi và Bình Thuận. Hạt muối phải trắng tinh, to, già, được nắng, không bị nước mưa, mang về đổ trên nền xi măng khô ráo bảy ngày cho chảy hết chất nước đắng, sau đó cho vào vại cất vài năm rồi mới đem ra làm. Một chum 200–300 kg cá, sau 12 tháng cho ra 100-150 lít nước mắm loại 1. Còn lại là nước mắm loại 2 và loại 3.

Chiếu Cẩm Nê
Đá Non Nước

Lễ hội
Các lễ hội truyền thống của Đà Nẵng đã có từ rất xưa và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Lễ hội của ngư dân Đà Nẵng được gọi là lễ hội Cá Ông. "Ông" là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn trên biển cả. Tại Đà Nẵng, lễ hội được tổ chức trong hai ngày vào trung tuần tháng 3 âm lịch ở những vùng ven biển như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp,.... Trong phần hội, có các trò chơi dân gian đặc trưng của vùng biển như lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co...Một hình thức múa hát đặc trưng diễn ra trong lễ hội là múa hát bả trạo diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân.
Lễ hội lớn nhất ở Đà Nẵng là lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960. Năm 2000  được công nhận là lễ hội cấp quốc gia và hiện là một trong 15 lễ hội lớn nhất cả nước. Lễ hội được tổ chức vào các ngày từ 17 - 19 tháng 2 âm lịch hàng năm diễn ra tại Chùa Quán Thế Âm, nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Ngoài ra ở Đà Nẵng còn có một loạt các lễ hội gắn liền với các đình làng như: lễ hội đình làng Hòa Mỹ (quận Liên Chiểu), đình làng An Hải (huyện Hòa Vang), đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang). Các lễ hội này đều nhằm thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", cầu cho quốc thái dân an, nhân dân trong làng được hanh thông an lạc. Những năm gần đây, Đà Nẵng đã tạo cho mình những lễ hội mới như lễ hội đua thuyền được tổ chức vào ngày quốc khánh 2 tháng 9 hàng năm trên dòng sông Hàn. Lễ hội pháo hoa quốc tế được tổ chức vào dịp lễ 30 tháng 4 đã thu hút hàng nghìn người đến Đà Nẵng. Lễ hội pháo hoa năm 2013 đã có tới gần 400.000 lượt người đến thành phố.

Lễ hội bắn pháo hoa
Lễ hội Quan Thế Âm

Ẩm thực

Mỳ Quảng
Bánh xèo

Ẩm thực Đà Nẵng chịu ảnh hưởng của ẩm thực vùng ven biển miền Trung Việt Nam, đặc biệt là vùng đất xứ Quảng nhưng vẫn có những nét đặc trưng riêng. Gỏi cá Nam Ô gắn liền với tên làng biển Nam Ô. Cá để chế biến là cá mòi, cá tớp, cá cơm,...nhưng ngon nhất là cá trích. Trước khi ướp, cá được ép lấy nước để làm ráo cá và lấy nước cốt này làm món nước chấm. Rau ăn kèm với gỏi cá Nam Ô rất đa dạng và chỉ mọc trên đèo Hải Vân như cóc rừng, tim lan, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng,... đã mang lại hương vị riêng cho món gỏi cá sống.
Làng Cẩm Lệ thuộc phường Khuê Trung, quận Hải Châu có món bánh khô mè nổi tiếng trong đó người đi "tiên phong" là bà Huỳnh Thị Điểu, thường gọi là bà Liễu. Bánh khô mè được làm từ bột gạo, bột nếp, đường kính, gừng, và mè. Bột gạo pha với bột nếp được cho vào khuôn, hấp cách thủy, nướng khô, "tắm" đường, "tắm" mè,...Ruột bánh xốp giòn, đường dẻo, mè chín thơm, thường được người dân dâng cúng ông bà tổ tiên, trong những ngày giỗ tết. Hiện nay bánh được sản xuất, tiêu thụ quanh năm cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó còn có bánh tráng Túy Loan. Theo phong tục của người dân Túy Loan cứ mỗi dịp lễ tết nhất là những ngày giỗ kỵ bánh tráng là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên.
Ngoài ra ở Đà Nẵng còn có nhiều món ăn ngon tuy không gắn liền với tên một địa danh cụ thể nhưng vẫn mang những nét đặc trưng riêng như món mì Quảng Đà Nẵng, bánh xèo Đà Nẵng, bánh tráng cuốn thịt heo, bún thịt nướng, thịt bê thui, bún chả cá, bún mắm, mít trộn, ốc hút, bò né, nem lụi,...

VI.    Ý nghĩa của việc giải quyết tình huống
Vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết tình huống giúp chúng em phát huy khả năng tư duy, vận dụng kiến thức của các môn học mà chúng em đã được học để giải quyết một vấn đề nào đó.
Việc kết hợp kiến thức của các môn học như Lịch Sử, Địa Lí, Văn học, Toán học sẽ giúp chúng em tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc tên gọi, lịch sử hình thành, các đặc điểm về kinh tế, dân cư, xã hội, văn hóa của thành phố Đà Nẵng - nơi mà chúng em đang sinh sống và học tập. Từ đó, giúp chúng em vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, có ý thức giữ gìn và tham gia xây dựng địa phương. Đồng thời có những kết luận và đề xuất đúng đắn làm cơ sở để đóng góp với địa phương trong vấn đề khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, giúp chúng em có định hướng nghề nghiệp trong tương lai.



Thông báo